Xuyên suốt nhiều thập kỉ, các bộ phim gangster đã không chỉ để lại những cột mốc bất hủ trên lịch sử điện ảnh, mà còn có thể được xem như một cuốn “sử ký toàn thư” lưu giữ dòng chảy của thời trang nam giới. Qua bài viết này, hãy tìm đến những nguồn cảm hứng bất hủ dành cho cánh mày râu, qua những bức tranh thời trang đậm phong thái lịch lãm và “chất lừ” từ dòng phim gangster – một thể loại kinh điển của bộ môn nghệ thuật thứ bảy.
Những gì càng bí hiểm và càng khó tiếp cận thì luôn khiến con người ta hứng thú. Và đó chính là lí do khiến sự gai góc và tăm tối của thế giới ngầm trở thành một đề tài màu mỡ để các nhà làm phim khai thác.
Sở hữu một sức hút mạnh mẽ với khán giả đại chúng, đặc biệt là cánh mày râu, dòng phim gangster chính thức bước vào thời kỳ vàng son vào những năm 1970, với hai phần phim The Godfather I và II được đạo diễn Francis Ford Coppola chuyển thể từ kiệt tác cùng tên của nhà văn Mario Puzo, cùng với màn hoá thân xuất thần của những Marlon Brando, Al Pacino, John Cazale hay Robert Duvall.
Tiếp nối sự thành công của The Godfather, thập niên 80 và 90 đã đem đến cho khán giả đại chúng những Scarface (bản remake năm 1983) và The Untouchable của Brian De Palma, cũng như kiệt tác Goodfellas hay Casino đến từ “thế hệ vàng” của dòng phim gangster và điện ảnh thế giới, gồm những cá nhân kiệt xuất như: đạo diễn Martin Scorsese, diễn viên Robert De Niro hay Joe Pesci… Những cái tên kể trên đã góp phần đưa dòng phim gangster lên đến tầm vóc của một thể loại kinh điển trong bộ môn nghệ thuật thứ 7.
Có quá nhiều thứ để nói về những bộ phim gangster, từ những lát cắt đầy chân thực về thế giới ngầm, bối cảnh một xã hội đầy biến động vào nửa sau thế kỷ 20 cho đến câu chuyện về những gã đàn ông bất chấp lề lối của xã hội để theo đuổi giấc mơ danh vọng hay những bài học vô giá dành cho cánh mày râu… Thế nhưng, sẽ là một thiếu sót lớn nếu bỏ qua mảng thời trang nam của dòng phim này.
Trong chuyền hành trình lên đến hàng thập kỷ trên màn bạc của mình, câu chuyện về những băng đảng tội phạm đã không chỉ để lại những kiệt tác quan trọng trong sự phát triển của điện ảnh thế giới mà còn lưu giữ những cột mốc đáng nhớ dòng chảy của thời trang nam giới, để rồi qua đó trở thành một nguồn cảm hứng bất tận trong phong cách ăn mặc của cách mày râu.
Với bối cảnh tập trung chủ yếu ở thế kỷ 20 – một thời kỳ không chỉ đánh dấu sự vươn lên đến đỉnh cao quyền lực của thế giới ngầm mà còn chứng kiến những sự phát triển quan trọng trong lịch sử thời trang nam giới. Tạo hình của những gã gangster luôn gắn liền với khí chất đầy quyền uy, pha trộn với vẻ sành chơi của những gã chẳng thèm đếm xỉa đến lề lối xã hội, nhưng vẫn giữ được sự lịch lãm và sang trọng kinh điển của một quý ông.
Nét đẹp cổ điển của thời trang nam giới được thể hiện rõ nét trong những tác phẩm lấy bối cảnh ở giai đoạn nửa đầu thế kỉ 20, tiêu biểu với sự lịch thiệp của những ông trùm người Mỹ gốc Ý trong The Godfather (1972). “Đừng quên ai là người dạy các người cách ăn mặc như một quý ông” – Câu nói của một tay mafia Ý trong Peaky Blinders như một lời khẳng định đanh thép về thể hiện niềm tự hào của người Ý đối với phong cách ăn mặc của họ.
Và họ có quyền tự hào. Bởi ai mà có thể quên được hình tượng đầy uy quyền và cực phong độ của các “bố già” trong The Godfather, với những bộ tuxedo sang trọng ngay từ phân cảnh đầu tiên của phim, hay những bộ suit 3 mảnh chỉnh chu – biểu tượng bất diệt của thời trang nam giới, đi cùng với những nét nhấn nhá đầy tinh tế đến từ những chiếc cà vạt hoạ tiết paisley, bông cài áo hay khăn gấp túi…
Sự tinh tế và lịch thiệp của những gã mafia gốc Ý thật sự đã tạo nên một bức tranh thời trang nam giới bất hủ trên màn bạc. Dẫu biết đây là những phản diện của xã hội chúng ta, nhưng hỡi ôi, ai mà có thể không tấm tắc trước một tủ đồ suit với đầy đủ form dáng, từ suit 1 hàng khuy, double breasted cùng mọi chất liệu cao cấp bậc nhất trong Goodfellas, hay bức tranh đầy hào nhoáng của một Las Vegas hoa lệ, với những phong cách thời trang nam sang trọng, đi cùng với những màu sắc sặc sỡ, tiêu biểu như bộ suit hồng – cam đặc sắc của nhân vật Rosenthal (do Robert De Niro thủ vai) được chứ.
Nếu The Irishman là lời chia tay đầy cảm xúc mà Martin Scorsese dành cho dòng phim tội phạm băng đảng – vốn đã luôn gắn liền với tên tuổi của ông,...
Tuy nhiên, thời trang trong thế giới ngầm không chỉ có sự lịch lãm của những tay mafia Mỹ gốc Ý. Những gam màu năng động pha lẫn tinh thần hip hop đặc trưng của những tay chơi da màu của khu Harlem thập niên 60 trong American Gangster chắc chắn sẽ khiến bạn muốn diện ngay một set đồ retro với những item như áo polo, sơ mi kẻ sọc hay những bộ suit với sắc nâu vàng đặc sắc đấy.
Hay nếu như bạn là một người đam mê với những giá trị hoài cổ cùng những quy chuẩn kinh điển nhất của thời trang nam giới, thì hình tượng những quý ông giang hồ Anh Quốc trong series Peaky Blinder – một series thuộc thể loại gangster ăn khách bậc nhất hiện nay – chắc chắn sẽ là một lựa chọn không tồi.
Được xây dựng với những item kinh điển như áo khoác topcoat, suit 3 mảnh chỉnh tề với những chất liệu dày đặc trưng như vải tweed, phối cùng những phụ kiện như bốt da, đồng hồ quả quýt, khuy măng sét hay mũ baker boy…. Bức tranh thời trang trong Peaky Blinders không chỉ đem đến một nguồn cảm hứng bất hủ cho phái mạnh, mà còn là một bản khắc hoạ rõ nét của thời trang nam giới tại xứ sở Sương mù trong thời kì cách mạng công nghiệp.
Thời trang phim Peaky Blinders đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận, tác động lớn đến phong cách của nhiều quý ông thời hiện đại với suit vải tweed...
Hình ảnh quý ông trong dòng phim gangster luôn được xây dựng rất chỉnh chu, với những bộ suit chuẩn mực đến từng đường may kẻ chỉ, những phụ kiện được phối đầy tinh tế. Thế nhưng, đã là đàn ông thì ai chả có máu ngông. Vì vậy không thể nhắc đến những gã gangster mà thiếu đi tinh thần phóng khoán kiểu “đối trời đạp đất”, cũng như không thể mô tả dòng chảy thời trang nam giới mà thiếu đi những sự phá cách đầy thú vị trong xu hướng đổi mới của giai đoạn nửa sau thế kỷ 20.
Tiêu biểu nhất cho sự phá cách trong ăn mặc thì có lẽ phải kể đến phiên bản remake năm 1983 của Scarface với bức tranh thời trang nam đầy phóng khoán của thành phố ăn chơi Miami. Vẻ sành điệu nhưng cũng rất “phớt đời”, thể hiện qua phong cách phối áo sơ mi cuban cùng suit 1 mảnh, với phần cổ áo to bản được bẻ rộng ra ra ngoài vạt áo vest đặc trưng với những item như áo sơ mi hoa hoè, khăn turban, suit linen…đã giúp hình ảnh gã gangster Tony Montana – vai diễn để đời của Al Pacino – như để lại ấn tượng khó phai trong văn hoá đại chúng.
Bên cạnh sự thanh lịch theo phong cách cổ điển, thì khi xem những phim gangster, không khó để chúng ta bắt gặp rất nhiều phong cách bất hủ, đặc biệt đến từ những xu hướng thời trang nam thập niên 70-80 vốn chưa bao giờ lỗi thời và vẫn còn đang chiếm những vị thế nhất định trong làng thời trang hiện đại.
Thời trang nam giới vốn là một dòng chảy với nhiều vòng lặp và sự cải tiến. Thế nên mặc dù đã ra mắt cách đây nhiều thập kỉ, nhưng bức tranh thời trang trong Scarface hay Goodfellas dường như chẳng hề lỗi thời, đặc biệt là ở những năm gần đây, khi mà những item như áo sơ mi hoạ tiết, khăn turban hay phong cách layering của áo sơ mi cuban cổ to bản đang trở lại mạnh mẽ.
Bước vào phần thi đầu tiên của vòng Bứt Phá, các HLV và BGK cùng dàn thí sinh khoác lên mình diện mạo đầy màu sắc với nhiều phong cách thời trang...
Hay như phẩm mới nhất của đạo diễn huyền thoại Martin Scorsese – The Irishman (2019), với phong cách phối áo sơ mi flannel cùng áo khoác da, đã đem đến một ý tưởng đáng giá để tạo nên những set đồ mới mẻ bằng những item kinh điển của thời trang nam giới.
Thậm chí mặc dù đã không còn giữ được sức hút nhưng tầm ảnh hưởng của dòng phim gangster đối với văn hoá đại chúng vẫn còn nguyên giá trị. Mới đây, ca sĩ nổi tiếng The Weeknd đã tìm đến những nguồn cảm hứng thời trang từ bộ phim kinh điển Casino để xây dựng nên tạo hình của mình trong chuỗi MV đầy ấn tượng thuộc album After Hours, ra mắt vào đầu năm 2020.
Thật sự, để có thể chiêm ngưỡng được những gam màu đa dạng và đặc sắc của bức tranh thời trang nam giới trong dòng phim gangster, chúng ta cần dành một sự cảm ơn sâu sắc đến những nỗ lực và tâm huyết của các ekip làm phim, đặc biệt là các thiết kế gia phục trang. Có lẽ hiếm ai biết rằng để có thể mang đến hình ảnh một Al Capone – gã mafia khét tiếng bậc nhất lịch sử Hoa Kỳ – trong bộ phim The Untouchables, diễn viên Robert De Niro đã cất công tìm kiếm và đặt may những bộ phục trang từ chính những thợ may đã từng may suit cho Al Capone lúc sinh thời.
Hay như trong The Godfather, nếu tinh ý, bạn có thể nhận ra ở những phần sau, phong cách ăn mặc của những nhân vật, đặc biệt là ông trùm trẻ Michael Corleone (Al Pacino thủ vai) đã có một sự phá cách rõ rệt, đến từ bản phối giày loafer cùng suit, và một đôi vớ ca cổ màu trắng, hay những chiếc khăn turban quấn cổ, phối với những thiết kế áo vest linen với các tông màu vàng, be, xám nhạt… những bản phối thời trang nam đầy sành điệu và không bao giờ lỗi mốt dù ở bất kì thời điểm nào.
Những yếu tố này đã được cố thiết kế gia Anna Hill Johnstone tinh tế thêm vào nhằm khắc hoạ rõ nét bức tranh thời trang nam đầy sành điệu với những sự cách tân mới mẻ tại Vegas – thủ phủ ăn chơi của Hoa Kỳ, để rồi qua đó khéo léo đánh dấu sự thay đổi về bối cảnh và câu chuyện, khi đại gia đình Corleone chuyển đến từ New York đến vùng Nevada và bắt đầu tập trung làm ăn tại các sòng bạc và khách sạn.
Trải qua nhiều thập niên với hàng loạt các tác phẩm kinh điển, cùng những sự cống hiến của hàng loạt những cái tên xuất sắc của trong sử điện ảnh thế giới, dòng phim gangsters đã không chỉ để lại những dấu ấn đậm nét với những lát cắt đầy chân thực về thế giới ngầm, mà còn có thể được xem như một cuốn catalog lưu giữ những nguồn cảm hứng vượt không gian và thời gian trong dòng chảy của thời trang nam giới.